TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Gia Đình Thân Thiện Của Chúa

Thứ hai - 10/05/2021 09:24 |   544
Mary Martha
Mary Martha

Gia Đình Thân Thiện Của Chúa

Gia đình Matta, Maria và Lazaro, rất thân thiện với Chúa. Mỗi khi lên Giêrusalem Chúa Giêsu thường ghé thăm gia đình này. Các gia đình hôm nay, có là ngôi nhà Chúa thường xuyên lui tới và ở lại, để hạnh phúc và niềm vui của gia đình được tràn đầy, cùng để Chúa chia sẻ những nỗi gian truân và đau khổ.

Nhân sự kiện Lazaro chết.

Đó là câu chuyện đau buồn của một gia đình khi mất đi người thân, đặc biệt đó là người em út dễ thương trong gia đình. Sự đau buồn ấy được bộc lộ cách tự nhiên khi Matta chạy ra đón Chúa đã thưa: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết” (Ga 11, 21). Chị Matta biết về người bạn của gia đình có một vai trò rất lớn. Xét theo khía cạnh con người, có thể như Chúa Giêsu là chủ gia đình thay cho cha mẹ đã khuất bóng. Vai trò của Chúa có tầm ảnh hưởng lớn trong gia đình Matta. Là chỗ dựa tinh thần trong lúc đau thương, là niềm vui, khích lệ khi mọi sự suôn sẻ. Chúa ở cùng gia đình và Chúa cũng muốn có nhiều gia đình thân thiết, đón Chúa và mời Chúa ở lại làm chủ gia đình.

Như một người rất thân trong gia đình thổ lộ sự đau buồn, chị Matta cũng tỏ lộ một niềm tin: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” (Ga 11, 14). Chúa Giêsu không những là một người thân thiết ruột thịt trong gia đình Matta, mà còn là Thiên Chúa ở cùng. Tin nhận như thế, nên chị Matta trong khi đau thương vẫn thấy niềm hy vọng tràn đầy và đầy tràn hơn nữa khi Chúa nói với chị: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11, 25). Trong mọi đau thương, có Chúa ở cùng, gia đình lại tìm thấy niềm hy vọng.

Chúa khóc thương Lazaro.

Khóc thương Lazaro có lẽ thấy một hình ảnh của ngày Chúa khóc thương thành Giêrusalem: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. (Lc 19,41). Điều phải chi, nghe như một tiếc nuối, Chúa thương tiếc cho các gia đình đang chịu nhiều thử thách đến đổ vỡ hoặc đang rơi vào sự đày đọa do kẻ gian ác gây ra. Một phần vì sự cứng lòng, từ chối Chúa trong các gia đình, để chạy theo hưởng thụ, lối sống ích kỷ, hoặc đam mê trần tục. Phần khác đau thương như Chúa chịu đòn roi của kẻ bất chính nơi người công chính. Các gia đình Chúa khóc thương, bao lâu nữa mới hết khổ đau?

Chúa khóc thương cũng là khát mong Chúa được chữa lành mọi đau thương của con người. Kẻ tội lỗi cũng như người công chính đều được Chúa xót thương. Chúa ra đi mang trên thân mình thập giá và vẫn mang trên thân mình thập giá ấy khi con người chưa mang hạnh phúc cho nhau.

Chúa là Đấng Ban Sự Sống.

Phúc Âm của Thánh Gioan, tiếp tục trình bày, Chúa là sự sáng và là sự sống. Việc sống lại của Lazaro cho thấy Chúa là sự sống và là sự sống lại. Người chiến thắng sự chết là người vượt thắng mọi tội lỗi. Chính vì vây cái chết về mặt thiêng liêng là cái chết trong sự tội đã được giải thoát nhờ sự chết của Chúa trên Thập giá để sống lại trong sự sống mới. Khung cảnh gia đình chị Matta là gương mẫu cho các gia đình thường xuyên đón Chúa. Sự chết về tội không còn chỗ bám trong gia đình, tội lỗi gây ra bất hạnh, xáo trộn, ghen tuông, tranh chấp hoặc đổ vỡ. Chúa đến trong gia đình và làm cho niềm vui của gia đình được sống và sống dồi dào.

“Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 26). Niềm tin vào Chúa bảo đảm cho sự sống thiêng liêng không còn chết vì tội lỗi do sự xấu gây nên nữa. Các gia đình tín hữu luôn được mời gọi giữ giờ kinh tối, các thành viên quy tụ dưới chân Chúa, như Maria ngồi nghe Lời Chúa, như Matta thuật lại những vui buồn trong đời sống hằng ngày cùng Chúa. Bầu khí giờ kinh tối, ấm áp tình Chúa, tình gia đình, như một hành trang theo suốt cuộc đời, khi ở chung hay khi đã ra riêng. Ký ức của gia đình và niềm tin nơi Chúa cùng lớn lên trong tâm hồn, để cũng một ngày kia nhận ra Chúa cũng thích đến ở với gia đình, cùng chia sẻ buồn vui.

Tình thân của Chúa với gia đình là một tình thân không chỉ dừng lại khía cạnh nhân loại mà còn là một tình thân giữa Chúa và gia đình. Một tình thân không những chỉ chia sẻ buồn vui mà còn là mang lại sự sống, sự sống dồi dào, thấy được phúc lộc từ Chúa thương ban đời này và đời sau. Một tình thân tuyệt diệu để cho thấy gia đình có Chúa là một gia đình hạnh phúc thật sự, đi qua mọi khổ đau và gian truân trong bình an.

Xin Chúa ban cho các gia đính chính Chúa là người bạn thân hữu, một Tình Chúa yêu thương hiểu biết và chia sẻ tận cùng những đau thương của các gia đình, và biến đau thương thành niềm vui, hy vọng, tin yêu, và trông cậy vững vàng.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây