TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Giao Thừa, với Hàn Mặc Tử

Thứ hai - 10/05/2021 09:20 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   700
Giao Thừa, với Hàn Mặc Tử

Giao Thừa, với Hàn Mặc Tử

Đối với một số người, giao thừa là thời gian của tịnh tâm, có thể họ ngồi trước bàn thờ gia tiên, ngồi để suy nghĩ về gia đình, ai còn và ai mất rồi tưởng nhớ. Có người ngồi ôn lại những gì đã đến trong năm qua, vừa ý hay chưa đạt được ước nguyện. Lắng đọng nghe một đêm Xuân tịnh tâm của Hàn Mặc Tử, rất đỗi linh thiêng, tràn đầy hương hoa và ánh sáng:

“Trí đương no và khí Xuân đương khỏe

Nhạc đương say và rượu hãy còn thơm

Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé

Trong phút giây trân trọng của linh hồn”

... (Nguồn Thơm)

Giữa những tiếng pháo của đêm trừ tịch, giữa những kinh cầu của những gia đình, mùa Xuân rất đương no như căng ra giữa trời và đất, đất trời như vỡ ra vì Xuân đang đến. Ta dường như đang nghe một “mùa Xuân chín” rất thơm giữa những bông hoa, giữa những ánh sáng lung linh, rực rỡ mùa hoa trái trần thế. Thơm lừng Xuân của thế trần và cũng là Xuân phúc lộc của ân Thiên Chúa tặng ban.

“Tiếng pháo đi bao nhiêu kinh cầu nguyện

Đều dâng lên cho đến chín từng mây

Hơi Xuân thắm mỹ vì hơn dạ yến

Ta đem ươm trong ý vị đêm nay”

(Nguồn Thơm)

“Một đêm xuân rất đỗi anh linh”, trong đêm xuân ấy, lòng trí như đương hớp lấy từng châu ngọc, sẽ rưng rưng bởi niềm cảm mến tình Thiên Chúa vô biên, ban tặng qua các đấng bậc sinh thành. “Anh linh”, bởi vì, trong thân xác của Hàn Mặc Tử đang đau đớn do căn bệnh vẫn nghiệm thấy một tình Trời, một bàn tay của người chị rất bao la. Bao la trong nỗi khốn cùng của thân xác để “ọc ra từng búng thơ”, một nguồn thơ châu lệ:

“Ôi cao sang khôn ví, trọng ai bì

Trên nước cả có vô vàn châu báu

Trí rất ngớp bởi chưng Xuân hồn hậu

Đã ra đời theo lệnh của Ngôi Hai”

(Ra Đời)

Giao thừa, đêm phải chăng là thời gian của huyền nhiệm những tình thương. Khi có tình thương người ta có cả mùa Xuân, xuân của tình người, xuân của tình trời, ấm áp trong từng ngọn cỏ, lung linh theo từng ánh sao, rền vang giữa những khúc nhạc của muôn trời xao động, Xuân ra đời trong nghĩa tình thương ấy:

“Cả trời đất bỗng nổi lên muôn điệu nhạc

Rất trọng vọng, rất thơm tho man mác

Rất phương phi, trên hết cả anh hoa

Xuân ra đời...”

(Ra Đời)

Xuân phải chăng là thời khắc của thời gian chuyển giao mùa, đối với Hàn Mặc Tử, Xuân sẽ muôn đời mới, bởi vì Xuân ấy đã có ai đó khắc ghi vào nó một tình yêu viên miễn, một tình yêu thay đổi toàn cõi địa cầu, trong nét mới tinh khôi, trong ánh sáng vĩnh hằng không còn thời gian. Một trần thế Xuân của tình người, nắm chặt tay nhau cùng tiến bước, một vẻ diễm lệ của tình người tha thứ, đón nhận nhau trong Tình Yêu Thiên Chúa, và Xuân một mùa viên miễn thái bình trên trái đất.

“Tứ thời Xuân! Tứ thời Xuân non nước

Phút thiêng liêng nhuần gội ánh thiều quang

Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước

Như triều thiên vờn lượn khắp không gian”

(Nguồn Thơm)

Nếu ta chợt nghe, một mùa Xuân đến gần, gần hơn hơi thở đang rung lên trong lồng ngực, đang đến gần, gần hơn trong cái nỗi đau đang dày vò thân xác của Hàn Mặc Tử, để nghiệm thấy một cái đau tận cùng của một người vô tội, đang bị treo trên Thập hình của thù hận và sự dữ. Ta sẽ đang nghe một mùa Xuân cứu độ, một mùa Xuân tung hô, sớt chia cho cả và thiên hạ.

“Đây thi sĩ của đạo quân Thánh giá

Nửa đêm nay vùng dậy để tung hô

Để sớt cho cả Xuân Xuân thiên hạ

Hương mến yêu là lộc của lời thơ”

(Nguồn Thơm)

Giữa đêm xuân có muôn vàn bàn tay chắp lại nguyện cầu. Lời kinh kết từ những tháng ngày, những khắc khoải, những lo âu và những hạnh phúc, thành muôn chuỗi sao trời lấp lánh, nặng hơn châu ngọc, nhẹ hơn mây. Trong lời kinh ấy, nguyện cầu giữa đêm giao thừa trở nên lời kinh tràn đầy cuộc sống. Nếu có tài hoa, nếu có nhã nhạc cũng chưa đủ, hãy chắp tay, hãy nguyện cầu trong đêm vắng để có thể thấy một sự lạ:

“... chắp hai tay lạy quỳ hoàn hảo

Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian”

Tôi được một lần đến thăm ngôi mộ của Hàn Mặc Tử tại Gành Ráng (Qui Nhơn). Tượng Đức Mẹ hiền từ đứng giang hai tay che chở, nhìn xuống tấm mộ bia khắc tên người thi sĩ:

Đây an nghỉ trong tay Mẹ Maria

HÀN MẶC TỬ

Tức Phêrô Phanxicô Nguyễn Trọng Trí

Sanh: 22-9-1912 Lệ Mỹ (Quảng Bình)

Tử: 11-11-1940 Quy Hòa (Bình Định)

Phía đầu là núi, nơi ngọn nguồn ánh sáng mà Hàn Mặc Tử đã suốt cuộc đời đã tín thác, phía chân là thành phố biển với những lời ru của nuớc ngàn năm sóng vỗ, đưa Hàn Mặc Tử vào giấc ngủ bình an.

Đêm nay, xin dừng lại trong ánh sáng huyền nhiệm của những ngọn nến và “Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió. Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao..” để cùng với Hàn Mặc Tử đón mùa “Xuân Như Ý”.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây