TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật VI Phục Sinh -Năm B

“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình”. (Ga 15, 9-17)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Người Mục Tử

Thứ hai - 10/05/2021 09:26 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   784
Người Mục Tử

Người Mục Tử

G. A. Smith đã tả hình ảnh người chăn chiên như sau “Trên một cánh đồng khô cỏ cháy, ban đêm chỉ có tiếng chó hú, người chăn chiên với gương mặt tỉnh táo, đôi mắt nhìn xa, màu da cháy nắng, mình đeo khí giới, đứng dựa trên cây gậy, mắt chăm chú nhìn bầy chiên đang ăn”. Phúc Âm Thánh Gioan cho biết thêm một tính cách nữa của người mục tử vào buổi sớm khi đưa chiên ra ngoài: “chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra” (Ga 10, 3).

Hai đặc tính quan trọng của người mục tử: Mạnh mẽ và hiểu biết.

Mạnh mẽ.

Người mục tử được phác họa hình ảnh uy nghiêm, thủ lĩnh tinh thần, dẫn dắt con người đi trên đường chân lý và cứu thoát.

Cánh đồng cỏ dưới ánh mắt quan sát và bảo vệ của người mục tử, bảo đảm nơi ăn uống, nghỉ ngơi cho đoàn chiên an toàn. Đó là hình ảnh hiển đạt của những con người học biết về chân lý, không còn lo sợ gì, họ làm việc và tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay. Chính nghĩa bạn, Chúa sẽ làm rực rỡ tựa bình minh, công lý bạn, Người sẽ cho huy hoàng như chính ngọ.” (Tv 37, 5 – 6).

Người mục tử sống tùy thuộc vào không gian, vì cần đi tìm đồng cỏ ở giữa những triền núi và cả những nơi đồng bằng. Không gian chăn thả nhiều hiểm nguy rình rập, đòi hỏi người mục tử có đôi mắt tinh tường, màu da xám nắng, mình đeo khí giới. Hình tượng người mục tử giữa đồng khô cháy nắng, nói lên tính chất can trường, hy sinh, chấp nhận mọi gian khổ cho đoàn chiên.

Ngay trong hoàn cảnh đó, cũng nói lên một hình ảnh khác nữa mà Chúa muốn huấn luyện dân Người cần trở nên những chiến sỹ can trường: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.” (Mt 11, 12)

Hiểu biết.

Người mục tử đồng hóa với con chiên của mình. Vai trò người chăn chiên không phải là một nghề nghiệp, nên Tin Mừng cũng nói về những người chăn thuê: “Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên.” (Ga 10, 12 – 13).

Người mục tử sống chết với đoàn chiên của mình. Hình tượng này nói lên ý nghĩa mật thiết giữa Chúa và dân Người. Chúa Giêsu đã nên một với con người, vận mạng của con người là vận mạng của chính Chúa. “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 5).

Biết và gọi tên. Am hiểu là một trong những tố chất cần thiết cho người mục tử. Đàn chiên hoàn toàn theo sự khôn ngoan của người dẫn dắt, biết cánh đồng nào cỏ xanh tươi; biết nhìn trời đoán được thời tiết, gió dông, bão, hay yên lành; biết dự đoán trước chỗ nghỉ đêm cho đàn chiên; biết tên từng con chiên, khi lạc còn gọi về; biết phân biệt từng tiếng thú dữ, cọp beo, sư tử, chó sói… Nhiều điều cần biết và am hiểu, đồng thời người mục tử còn là người biết cầu nguyện, để phó dâng đàn chiên cho Chúa, vì chính Chúa là Người Mục Tử nhân lành và chính thức hướng dẫn đàn chiên.

Xin Chúa hướng dẫn chúng con trên đường chân lý, tình yêu và hiệp thông để chúng con tiếp tục sứ vụ làm cho Danh Chúa ngày càng tỏa sáng.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây