Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 24/04/2021 08:27 |
1101
WGPQN (21.04.2021) - Ta thường nghe nói rằng, trong bối cảnh Do Thái thời Đức Giêsu, các phụ nữ bị gạt ra bên lề và bị xem như ô uế và Đức Giêsu đã giải phóng các phụ nữ khỏi một chế độ gia trưởng đàn áp. Hình ảnh này chẳng những không đúng mà còn làm méo mó nền văn hóa Do Thái thời Đức Giêsu.
ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI CON CỦA THỜI ĐẠI MÌNH
Tác giả: Amy-Jill Levine Giáo sư Tân Ước, Vanderbilt University Divinity School Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính Từ: L’Osservatore Romano, 06.03.2021
WGPQN (21.04.2021) - Ta thường nghe nói rằng, trong bối cảnh Do Thái thời Đức Giêsu, các phụ nữ bị gạt ra bên lề và bị xem như ô uế và Đức Giêsu đã giải phóng các phụ nữ khỏi một chế độ gia trưởng đàn áp. Hình ảnh này chẳng những không đúng mà còn làm méo mó nền văn hóa Do Thái thời Đức Giêsu. Điều này đã tước đi khỏi các phụ nữ cách thể hiện cá tính của mình và khi làm biến tính các nhiệm vụ theo nghi thức của việc thanh tẩy, nó đã làm cho các phụ nữ trở thành đối tượng của sự sợ hãi. Không phải bị gạt bên lề hay rút lui vào sự im lặng, các phụ nữ Do Thái mà Đức Giêsu gặp gỡ đã đến với Ngài từ những vị thế độc lập, mạnh mẽ và vì đức tin. Các bà không sợ Ngài cũng như Ngài không sợ họ. Đây là gương của ba người phụ nữ như thế.
Trước hết là người phụ nữ bị bệnh băng huyết trong Mc 5, 29-34 (cf. Mt 9, 20-22; Lc 8, 43-48). Lối chú giải thông thường cho thấy đây là một phụ nữ ở bên lề mà luật lệ Do Thái đòi phải cách ly vì bà ô uế theo nghi thức. Nhưng nếu bà bị cách ly thì bà đã không thể cực nhọc chạy thầy chạy thuốc bao phen (Mc 5, 26; Lc 8, 43); và nếu bà bị gạt ra bên lề thì hẳn đám đông quanh bà đã phải dạt ra như nước biển Đỏ.
Tất cả mọi người đều ô uế theo nghi thức vì lý do này nọ – điều này không tương đương với tội lỗi. Sự ô uế thường là tạm thời và rất dễ dàng lấy lại sự tinh sạch qua việc dìm mình trong mikveh, một hồ nước theo nghi thức. Bệnh băng huyết là một ngoại lệ vì sự mất máu của nó không xảy ra đều đặn. Đức Giêsu không xóa bỏ những lề luật về sự tinh sạch; khi chữa lành cho người phụ nữ này, đúng ra là Ngài đã trả lại cho bà sức khỏe và sự tinh sạch. Thật vậy, “cái tua áo” mà người phụ nữ chạm vào (Mt 9, 22; Lc 8, 44) đã chứng minh rằng Đức Giêsu luôn trung thành với lề luật Do Thái. Sách Dân số 15, 38-39 nói rằng các ông Do Thái “phải làm tua khâu vào tà áo” để nhớ đến “mọi mệnh lệnh của Giavê mà thi hành”. Khi Đức Giêsu khẳng định: “lòng tin của con đã chữa con” (Mt 9, 22), Ngài không chỉ xác nhận đức tin của người phụ nữ vào Thiên Chúa mà là sự tự tin của chị: chính chị đã có sáng kiến tiến đến gần Ngài.
Mẫu gương thứ hai là khi Đức Giêsu ở trong hội đường như thói quen của Ngài vào ngày sabát. Bất ngờ, Ngài thấy một phụ nữ hoàn toàn không thể đứng thẳng lên được (Lc 13, 10-17). Có lẽ bà đã phải chui lòn người qua đám đông để tìm một chỗ trước mặt Ngài. Khi Đức Giêsu làm cho bà đứng thẳng lên, “ông trưởng hội đường” phàn nàn, vì Ngài đã không chờ cho đến cuối ngày sabát. Nhưng Đức Giêsu xem trường hợp người phụ nữ này là vấn đề sống chết. Ngài nói rằng ma quỷ đã giam hãm bà trong vòng mười tám năm, và con số này rất quan trọng. Trong tiếng Do Thái, các mẫu tự có một giá trị số học (chẳng hạn A = 1, B=2). Các mẫu tự cộng lại thành con số mười tám tạo thành từ chai, nghĩa là “sự sống”. Khi làm cho người phụ nữ đứng thẳng lên, Ngài đã ban cho bà sự sống.
Ví dụ thứ ba là bà nhạc mẫu ông Phêrô mà Đức Giêsu đã chữa khỏi cơn sốt (Mt 8, 14-15; Mc 1, 30-31; Lc 4, 38-39). Sau đó, bà này bắt đầu “phục vụ” Đức Giêsu. Từ tiếng Hy Lạp của từ “phục vụ”, diakoneo, là nguồn gốc của từ “phó tế”. Từ này là nền tảng tham chiếu mà Phaolô dành cho bà Phêbê như là “nữ trợ tá Hội Thánh Kenkhơrê” (Rm 16, 1). Khi Đức Giêsu khẳng định “Con Người đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ” (Mt 20, 28; Mc 10, 45; cf. Lc 22, 27), chúng ta lại nghĩ đến bà nhạc mẫu của Phêrô, người đầu tiên trong các Tin Mừng đã phục vụ theo mẫu gương phục vụ này.
Tân Ước đã nói nhiều với chúng ta về các phụ nữ Do Thái: họ xuất hiện trong các hội đường và trong Đền thờ Giêrusalem (một vài văn bia cổ còn đề cập đến các bà là “trưởng hội đường”). Họ được nhìn nhận như là nữ ngôn sứ (Anna trong Lc 2, 36; con gái của Philipphê trong Cv 21, 9), và Phaolô đã nhắc đến người bà con là bà Giunia trong số “những tông đồ xuất sắc” (Rm 16, 7). Mátta (Lc 10, 38) và Maria, mẹ của Gioan gọi là Marcô (Cv 12, 12), đã sở hữu những ngôi nhà. Các phụ nữ Do Thái có quyền dùng tiền của riêng (người phụ nữ bị băng huyết; các bà có của trong Lc 8) và họ tự do đi lại (Maria đi thăm bà Êlisabét; các phụ nữ đi ra mộ). Một vài người làm việc trong lãnh vực vải vóc (Tabita trong Cv 9, 36-40; Lydia trong Cv 16, 14).
Khi Đức Giêsu giao tiếp với các phụ nữ - nói chuyện với họ, chữa lành họ, phục vụ họ và nhận sự phục vụ của họ - Ngài theo gương các ngôn sứ Êlia và Êlisê. Khi Ngài kể những dụ ngôn về các phụ nữ - người đàn bà mất một đồng xu, bà góa đe dọa ông quan tòa, và các bà khác – Ngài theo truyền thống Do Thái, một truyền thống kể những câu chuyện về bà Rút và Étte, Giuđít và Susanna. Các phụ nữ không theo Đức Giêsu vì họ xét thấy có gì đó sai lầm trong nền văn hóa Do Thái. Các bà theo Ngài vì cùng lý do như các ông bạn và những thân thuộc đàn ông của họ: các bà thấy giáo huấn của Ngài hấp dẫn, Ngài chăm sóc bệnh tật của họ; các bà thấy bình an trước sự hiện diện của Ngài. Rõ ràng chúng ta không gì phải sợ khi không chỉ nhìn nhận sự trung thành của những phụ nữ Do Thái này mà còn sự bền bỉ, quả cảm và những hành động độc lập của họ nữa.