TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đồng Bằng Sông Cửu Long bị bức tử

Thứ năm - 27/05/2021 00:11 |   645

Đồng Bằng Sông Cửu Long bị bức tử và tiếng kêu cứu cần được lắng nghe


Dòng chủ lưu truyền thông đang tập trung vào cơn dịch Corona, nhưng ở Việt Nam, có một hiểm hoạ rất lớn khác đang diễn ra mà chưa được quan tâm đúng mức, đó là tình trạng hạn hán và ngập mặn của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

 

Theo thông tin từ báo Vietnamnet, tình trạng hạn và ngập mặn đang diễn ra trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng đạt kỷ lục trong 100 năm qua. Ví dụ, riêng tại Long An, khoảng hơn 10.000 ha lúa bị hạn hán, và gần 4.000 ha khác bị nhiễm mặn.[1]

Theo phân tích của tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ này. Thứ nhất, nguồn nước mặt bị ô nhiễm do việc lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu và các hoạt động nuôi trồng, chế biến thuỷ sản. Thứ hai, nguồn nước ngầm bị khai thác quá mức. Thứ ba, mực nước biển dâng và ngập mặn do biến đổi khí hậu. Và cuối cùng, nguồn nước bị chặn ở thượng nguồn do mạng lưới thuỷ điện chằng chịt.[2]

Trong số trên, chắc hẳn nguyên nhân cuối cùng đóng vai trò chính yếu nhất. Theo nhận định của ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam: “Từ năm 2010 đến nay, Trung Quốc liên tục vận hành các đập thủy điện đã làm dòng chảy thay đổi, ảnh hưởng đến hạ lưu, làm mặn xâm nhập sớm, sâu hơn trên diện rộng của hệ thống sông, kênh rạch. Ngoài ra, trong năm 2015, mùa mưa đến trễ nhưng kết thúc sớm khiến tổng lượng mưa bị thiếu hụt nhiều.”[3]

Như thông tin cung cấp bởi nhà báo Hannah Beech đăng trên New York Times ngày 15-2-2020, Trung Quốc đã vận hành 11 con đập trên Mekong, trong đó ba đập lớn nhất tác động trực tiếp dòng chảy của con sông là Nọa Trác Độ, Tiểu Loan, Mạn Loan. Hơn nữa, thay vì xây đập ở các nhánh phụ, Trung Quốc lại xây đập trên dòng chính của Mekong. Vì vậy, nước này đang kiểm soát gần như tuyệt đối nhịp sống của dòng sông. Vào đầu Tháng Giêng năm nay, chỉ sau vài ngày chạy thử việc giảm ½ lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng, mực nước tại một số khu vực hạ lưu Mekong thấp đến mức một số nhánh sông như thể đột nhiên biến mất (National Geographic 31-1-2020). Việc Trung Quốc kiểm soát Mekong đã khiến một số quốc gia khác ở khu hạ lưu cũng chạy đua xây đập; vì vậy, đã có thêm 10 đập khác ở hạ lưu và hằng trăm đập khác ở các vùng phụ lưu. Kết quả, sông Mekong đang bị bức tử, ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 60 triệu người. Thêm nữa, tình hình sẽ ngày càng tồi tệ hơn khi nông dân có xu hướng dùng nhiều phân hoá học và thuốc trừ sâu để bù lại sự cạn kiệt phù sa và tình trạng dòng chảy bất thường.[4]

Trong thảm hoạ này, Đồng Bằng Sông Cửu Long của Việt Nam có lẽ sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Không cần phải là một nhà khoa học hay một nhà quản trị chiến lược, chúng ta cũng có thể hình dung tầm quan trọng của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Chỉ cần chi tiết này cũng thấy được phần nào vai trò của nó: vùng đất này không chỉ là ‘vựa lúa’ của cả nước, mà còn là vùng đất cung cấp nguồn hải sản, cây trái và các tài nguyên phong phú khác. Vì vậy, an ninh lương thực của Việt Nam sẽ gặp thử thách cực lớn trong tương lai.

Nhưng điều đáng lưu tâm hơn nữa là đời sống của chính 20 triệu dân nơi khu vực đồng bằng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn bộ cuộc sống nơi đây sẽ bị xáo trộn. Ngoài những thiệt hại có thể cân đo đong đếm được trước mắt do tình trạng hạn và ngập mặn gây nên, thảm hoạ này còn có nguy cơ gây ra những hệ quả rất lớn trong tương lai: cả một hệ sinh thái với cảnh núi non sông ngòi có nguy cơ bị phá huỷ; thiên nhiên biến đối cũng sẽ dẫn đến sự thay đổi (thường là tiêu cực) trong lối sống nói riêng hay trong nền văn hoá nói chung. Và quan trọng nhất, vì lệ thuộc vào nông nghiệp, thảm hoạ này sẽ đẩy bao người lâm vào cảnh đói nghèo, thất nghiệp và di cư. Điều này sẽ đồng thời kéo theo nhiều vấn đề xã hội khác, như thất học, nghiện ngập, vv. Viễn tượng này sẽ rõ ràng hơn một khi con đập Luang Prabang của Lào được xây dựng, với phần đóng góp đầu tư lớn từ chính phía Việt Nam qua công ty PetroVietnam (dù việc này được biện minh – cách không thật sự thuyết phục – là để Việt Nam có thể chủ động tham gia vào khu thiết kế khi không ngăn được việc xây dựng con đập[5]).

Vậy, chúng ta cần phải làm gì và có thể làm gì? Câu hỏi này tất nhiên trước hết dành cho phần suy xét từ phía chính quyền, các nhà hoạch định chiến lược và các chuyên gia. Tuy nhiên, thiết tưởng mỗi người dân cũng có thể suy nghĩ và góp phần của mình. Điều có thể ghi nhận ở hiện tại là thảm hoạ này chưa thật sự được chú ý đúng mức. Về mặt thông tin, hiện chỉ mới một số tờ báo đăng bài viết liên quan. Về mặt chính sách, dù đã có một vài cuộc họp giữa Thủ Tướng Việt Nam và các tỉnh ở đồng bằng Sông Cửu Long để tìm giải pháp ứng phó,[6] nhưng chưa có những đối sách lớn đối với nguyên nhân. Ví dụ, chưa có thông tin nào cho thấy vấn đề của sông Mekong được đưa lên bàn nghị sự song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tất nhiên, Việt Nam ở thế khó vì chính sách hiện tại của Trung Quốc, nhưng thiết tưởng việc đặt nó ưu tiên ở tầm mức quốc gia có thể hy vọng mang lại những thoả thuận nhất định nào đó có lợi cho dòng sông Mekong.

Vì vậy, theo tôi, ít nhất chúng ta (chính quyền và người dân) có thể thực hiện một vài điều sau:

Thứ nhất, cần minh bạch và thúc đẩy truyền thông đưa tin nhiều hơn về thảm trạng này, để nhiều người cùng ý thức và lên tiếng. Điều này có thể mang đến những sức ép quốc tế nhất định đối với những chính sách kiểm soát dòng sông của các quốc gia ở thượng nguồn Mekong.

Thứ hai, cần hỗ trợ và thúc đẩy mạnh hơn các nghiên cứu để tìm phương hướng, giải pháp hạn chế vấn đề hạn hán, ngập mặt trong tương lai; đồng thời cần có những chính sách rõ ràng hơn cho đời sống tương lai của những nạn nhân thảm hoạ này.

Cách riêng, người Công giáo chúng ta cần có tinh thần hiệp thông trước hoàn cảnh của người dân ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Ngoài việc góp thêm tiếng nói, tiếng kêu cứu cho người dân ở vùng thảm hoạ, chúng ta cần tìm cách trợ giúp cho họ trong khả năng của mình. Ngoài ra, chúng ta cầu nguyện thêm cho họ và cho những người làm chính sách, đặc biệt là cho các chính quyền liên quan, để họ biết nghĩ đến lợi ích chung và lâu dài của nhiều người khác, thay vì chỉ nghĩ đến quyền lợi cho đất nước và cho các nhóm lợi ích riêng của mình.
 

Trần Bá, SJ - CTV Vatican News

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguoi-dan-mien-tay-khon-don-vi-han-man-290716.html. Cập nhật 12/03/2020.

[2] https://baomoi.com/dong-bang-song-cuu-long-dang-chet-dan-chet-mon/c/34270597.epi. Cập nhật, 12/03/2020.

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/nguoi-dan-mien-tay-khon-don-vi-han-man-290716.html. Cập nhật 12/03/2020.

[4] https://www.nytimes.com/2020/02/15/world/asia/mekong-river-dams-thailand.html. Cập nhật 12/03/2020.

[5] https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/viet-nam-nen-chu-dong-tham-gia-du-an-thuy-dien-luang-prabang-1136499.html. Cập nhật 12/03/2020.

[6] https://thoidai.com.vn/se-trich-ngan-sach-xu-ly-han-han-xam-nhap-man-tai-5-tinh-dong-bang-song-cuu-long-101780.html. Cập nhật 12/03/2020.



 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây